Nấm tai là bệnh lý tai mũi họng có thể găp ở mọi lứa tuổi với triệu chứng như ngứa ngáy, đau tai, ù tai… Đây không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi có những biểu hiện bất thường bạn cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị nấm tai kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh nấm tai
Bệnh nấm tai là bệnh nhiễm nấm chủ yếu chỉ ở ống tai ngoài, chiếm từ 5 đến 10% trong bệnh viêm tai ngoài.
– Nấm gây bệnh phổ biến nhất là Aspergillus, thỉnh thoảng có Candida Albicans. Nấm thường mọc trên một nền ráy tai ẩm nhiễm khuẩn và thường mọc trên một viêm tai ngoài do vi khuẩn trực trùng mủ xanh.
– Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là những người sinh sống ở khu vực có khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới, va chạm tại chỗ (lấy ráy tai hay phẫu thuật ống tai ngoài), sử dụng kháng sinh hoặc corticoid tại chỗ, suy dinh dưỡng.
– Những người sống ở khu vực nhiệt đới, có khí hậu ấm áp sẽ có nguy cơ mắc bệnh nấm tai hơn. Vì nơi đây là môi trường lý tưởng cho các loại nấm phát triển. Có thể thấy rằng, vào mùa hè thì bệnh nấm tai cũng sẽ tăng cao.
– Những người đi tắm ở bể bơi nhưng không vệ sinh sạch sẽ cũng sẽ dễ dàng mắc bệnh nấm tai. Môi trường ẩm ướt chính là cơ hội tốt để nấm sinh sôi và phát triển.
– Những người thường xuyên đi lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc, ngoáy tai không đúng cách cũng có nguy cơ bị nấm tai. Dụng cụ lấy ráy tai không được vệ sinh sạch sẽ chính là nguồn lây nhiễm từ người bị bệnh sang người không bị nấm.
Triệu chứng của bệnh nấm tai
Khi mắc bệnh nấm tai, người bệnh sẽ có những triệu chứng rõ, có khi rất âm thầm và được phát hiện ngẫu nhiên.
Tùy theo phân loại bệnh nấm tai sẽ có những triệu chứng khác nhau:
Nấm ống tai thông thường
Diễn biến bệnh có 3 giai đoạn: giai đoạn sơ khởi, giai đoạn nấm bắt đầu xâm nhập ống tai và giai đoạn phát triển bề mặt da ống tai.
– Ở giai đoạn sơ khởi bệnh nhân cảm thấy ngứa vừa phải ống tai ngoài, khám tai với đèn soi tai thấy da ống tai bị đỏ
– Ở giai đoạn xâm nhập nhìn kỹ thấy được sợi nấm
– Ở giai đoạn phát triển, bệnh nhân có triệu chứng ù tai, nhức tai kèm theo chảy tai. Ống tai ngoài hẹp hơn vì bị chiếm bởi những mảng trắng trên nền nhớt khỏi mủ. Bóc tách khối nấm, thành da ở dưới đỏ và có thể ngứa.
– Ở thời kỳ sau cùng, nếu không điều trị đúng cách, ống tai bị nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn, hạch trước tai to và đau, màng nhĩ có thể bị thủng.
Viêm nấm tai cấp
– Người bệnh bị nhức tai dữ dội kèm theo chảy tai nhiều, ngứa tai nhiều kèm theo nghe kém và có cảm giác như bị bịt ống tai. Ép bình tai vào ống tai, bệnh nhân bị đau điếng
– Khi khám tai với loa soi tai mà không cẩn thận, bệnh nhân sẽ bị đau dữ dội. Bệnh cảnh này giống như một viêm tai ngoài cấp do vi khuẩn, nhưng ở mức độ nhẹ hơn
– Khám tai bằng ống soi tai có thể phát hiện ống tai ngoài chứa một khối ẩm ướt màu trắng, vàng hoặc màu đen. Sau khi lấy nhẹ nhàng khối nầy ra, phần da ống tai ở dưới bị xung huyết rất đau, chạm nhẹ dễ chảy máu.
– Trong trường hợp bệnh nhẹ, màng nhĩ chỉ xung huyết rất đau, chạm nhẹ dễ chảy máu
– Trong trường hợp nhẹ, màng nhĩ chỉ xung huyết, trong trường hợp bệnh nặng, màng nhĩ bị viêm hạt, một hình ảnh điển hình trong nhiễm nấm.
– Viêm nấm tai cấp không được điều trị kịp thời sẽ khiến màng nhĩ bị thủng và bệnh nhân nghe kém hơn.
Viêm ống tai nấm không triệu chứng
– Khi khám tổng quát sẽ phát hiện bệnh, khi soi đèn sẽ thấy một khối ráy tai và nấm tai, chiếm cả ống tai, tình trạng này có thể kèm theo nút ráy tai (đây là ráy tai lâu ngày không lấy ra và trở thành một khối chiếm cả ống tai)
– Bệnh nhân chỉ có cảm giác bịt tai đơn thuần, không đau, không ngứa
– Có trường hợp thấy có sợi nấm màu trắng đục, màu vàng lợt hoặc màu đen. Nấm màu đen là nấm kinh điển của Aspergillus niger.
– Sau khi lấy hết khối ráy tai có nấm, da ống tai phía dưới ở trong trạng thái bình thường, màng nhĩ không bị ảnh hưởng
Viêm nấm ống tai sau phẫu thuật
– Chủ yếu xảy ra ở những nước nhiệt đới
– Ống tai ngoài ít nhiều bị sây xát và lúc nào cũng ẩm, có ít nhớt sau phẫu thuật, đây là môi trường thuận lợi cho nấm mọc
– Nấm thường mọc trong các vẩy nấm, nấm không hẳn khu trú ở ống tai ngoài mà còn lan vào hố mổ khiến tai có mùi hôi
– Nấm mọc trên đám ráy tai nhão, ở dưới là nước nhầy hoặc mủ. Để tránh nấm mọc phải vệ sinh tai sau mổ cho tốt, không để hố mổ bị ẩm
Nấm ống tai ngoài ác tính
– Đây là loại viêm nấm kèm theo nhiễm trùng hoại tử, rất hiếm xảy ra
– Bệnh lan dần vào xương chũm và đến sàn sọ
– Nấm gây bệnh là loại Aspergillus và có phối hợp với trực trùng mủ xanh
– Bệnh này thường gặp ở những người suy giảm hệ miễn dịch, bệnh nhân thường bị nhức tai rất sớm, kèm theo liệt dây VII ngoại biên, nghiêm trọng hơn là hoại tử sàn sọ
Bệnh nấm tai có lây không?
Bệnh nấm tai có lây từ người này sang người khác khi sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, dụng cụ lấy ráy tai.
Với những người thường xuyên lấy ráy tai ngoài tiệm cắt tóc thì cần phải những tiệm lớn, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ trước khi lấy ráy tai cho khách hàng, để đảm bảo không lây nhiễm bệnh nấm tai.
Diễn tiến bệnh nấm tai
Trường hợp bệnh nhẹ: sẽ khỏi trong vòng 15 ngày nếu được điều trị đúng cách. Khi thay đổi môi trường ống tai ngoài, ráy tai khô, nấm không thể mọc được và có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu giữ ống tai không tốt, bệnh có thể tái phát dễ dàng.
Trong trường hợp bệnh nặng: bệnh có diễn tiến đi dần đến ác tính. Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh phát triển nhanh, ảnh hưởng đến tổng trạng. Bệnh lan dần đến vùng trước tai, vùng cổ, vùng xương chũm và cả đáy sọ.
Trong trường hợp bệnh cấp: Đa số bệnh có phối hợp với vi khuẩn, thủng nhĩ rất dễ xảy ra. Một khi có viêm tai giữa kèm theo, điều trị sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều
Phương pháp điều trị
Chăm sóc tại chỗ
Chăm sóc tại chỗ là cần thiết, lúc nào cũng đi trước điều trị chính.
Khi khám với ống soi tai hoặc dưới kính hiển vi phẫu thuật thấy có nấm, bóc tác khối ráy tai có nấm ra khỏi da ống tai và lấy dần ra ngoài.
Giai đoạn này rất cần thiết cho kết quả điều trị sau này. Bệnh nhân thường được rửa tai với nước oxy già cùng với acid boric 10%. Sau đó cho nhét bấc có tẩm thuốc vào ống tai, lưu trong 2 – 3 ngày.
Chống nấm tại chỗ
Có một số thuốc chống nấm tại chỗ có hiệu nghiệm. Nước oxy già 10 thể tích làm giảm phát triển các sợi nấm, nhưng khả năng diệt nấm của thuốc chưa đủ và phải cần thêm thuốc khác.
Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc chống nấm chuyên dùng: chất imidazol và polyenique là nhóm thuốc thường được dùng. Trong hai nhóm này, nhóm imidazol được sử dụng nhiều nhất vì phổ rộng và đặc biệt có tác dụng với nấm aspergillus.
Cách ngăn ngừa bệnh nấm tai
Để ngăn ngừa bệnh viêm nhiễm nấm tai hiệu quả, bạn hãy áp dụng những mẹo sau:
– Không để nước vào tai trong khi bơi
– Lau tai khô sai khi tắm
– Tránh đề da trầy xước bên trong tai