Viêm Tai Giữa Mạn Tính

Nguyên nhân nào gây ra viêm tai giữa mạn

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm tai giữa mạn như:

Viêm tai giữa cấp: Là nguyên nhân thường gặp nhất, xảy ra nhiều ở trẻ em. Sau nhiễm trùng hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi họng…), trẻ bị đau nhức trong tai, sốt, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói… Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, trẻ sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu không điều trị hay điều trị sai, vi khuẩn sẽ theo ống thông tai – họng (vòi nhĩ) vào trong tai giữa, gây ứ mủ tai giữa. Viêm nhiễm sẽ phá thủng màng nhĩ, mủ chảy ra ống tai ngoài, có thể thấy khi nhìn vào tai trẻ.
Trong giai đoạn này, dù màng nhĩ đã thủng nhưng nếu điều trị tích cực, có nhiều khả năng màng nhĩ sẽ lành, nếu không được điều trị đúng hoặc lỗ thủng màng nhĩ quá lớn, không thể lành, bệnh sẽ chuyển sang viêm tai giữa mạn thủng nhĩ.

Viêm tai giữa cấp hoại tử: Tương tự như viêm tai giữa cấp nhưng do độc lực của vi khuẩn quá mạnh hoặc tình trạng miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên bệnh diễn tiến nhanh, màng nhĩ thủng rộng, không có khả năng tự lành và dẫn đến viêm tai giữa mạn.

Chấn thương: Nguyên nhân chủ yếu thường do dụng cụ móc ráy tai, dụng cụ bị đẩy sâu vào bên trong, xuyên thủng, gây ra thủng nhĩ. Sau chấn thương, nếu lỗ thủng nhỏ, màng nhĩ có thể tự lành; nếu lỗ thủng lớn, màng nhĩ khó có khả năng tự lành, dẫn đến Viêm tai giữa mạn.

Triệu chứng

Khi bị viêm tai giữa mạn, người bệnh có thể có những triệu chứng như:

Nghe kém: nghe kém có đặc điểm ngày càng tăng. Tình trạng này sẽ nặng thêm khi kết hợp các yếu tố sau: lỗ thủng rộng, thời gian bệnh kéo dài, chảy mủ tai tái phát nhiều lần, hư hại chuỗi xương truyền âm thanh trong tai giữa…
Nghe kém là dấu hiệu kín đáo, nếu chỉ viêm tai giữa mạn thủng nhĩ một bên thường sẽ khó phát hiện do người bệnh còn nghe tốt ở tai đối bên. Nghe kém chỉ được phát hiện tình cờ khi nghe điện thoại hay nhờ người thân phát hiện. Hoặc chỉ phát hiện khi đi khám bệnh, đo sức nghe bằng máy.

Chảy dịch tai: Là tình trạng dịch chảy ra ở ống tai. Dịch có đặc điểm sau:

  • Màu sắc: có thể trong, trắng đục, vàng, xanh, đôi khi có ít máu…
  • Sự liên tục: có thể chảy liên tục hay từng đợt.
  • Mùi: có thể không mùi hay có mùi hôi.
  • Số lượng: có thể nhiều hoặc ra ít.
  • Độ nhầy: loãng như nước hoặc nhầy, đôi khi keo đặc.

Cần phân biệt giữa ráy tai ướt và dấu hiệu chảy dịch của tai. Khi ngoáy tai bằng bông gòn, người có ráy tai ướt thường thấy có dịch ướt đầu bông, màu vàng nhạt, có mùi hơi hôi, thỉnh thoảng chảy ra ngoài tai. Khi khám sẽ thấy màng nhĩ nguyên vẹn, sức nghe bình thường.

Một số người bệnh bị viêm tai giữa mạn thủng nhĩ được chăm sóc tốt hoặc sức đề kháng mạnh nên không chảy dịch trong nhiều năm, khiến người bệnh quên tình trạng bệnh của mình. Vì một lý do khác, tình cờ đi khám tai – mũi – họng và được phát hiện viêm tai giữa mạn thủng nhĩ

 

Các triệu chứng khác

Ù tai, chóng mặt: có thể có một hoặc cả hai dấu hiệu này, do viêm tai giữa mạn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh hay hệ thống giữ thăng bằng của tai. Ở giai đoạn này, tỷ lệ khỏi hẳn tương đối thấp dù điều trị tích cực, kể cả can thiệp phẫu thuật.

Khi có dấu hiệu như trên, người bệnh nên đến chuyên khoa Tai Mũi Họng. Bằng các phương tiện hỗ trợ như: đèn soi tai, máy nội soi, máy đo sức nghe… sẽ giúp chẩn đoán xác định viêm tai giữa mạn thủng nhĩ. Ngoài ra, có thể sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như CT-scan xương thái dương hay MRI sọ xoang khi nghi ngờ có những tổn thương nặng trong tai như gián đoạn chuỗi xương truyền âm thanh, hệ thống giữ thăng bằng, dây thần kinh.

Biến chứng

Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính có cholesteatoma: là loại viêm tai giữa nhiễm khuẩn gây tổn thương hệ thống xương trong hòm nhĩ, phá hủy mê nhĩ, có thể gây liệt mặt và các biến chứng sọ não rất nặng như: viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp-xe tiểu não…

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm: là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính. Người bệnh có tiền sử viêm tai xương chũm đã điều trị nhiều lần, tai đã khô và đỡ ù nhưng đột ngột đau tai, ù tai tăng lên, nghe kém, có thể kèm theo chóng mặt, mủ tai chảy nhiều kèm theo sốt cao, ấn rất đau ở vùng xương chũm. Trong đợt hồi viêm rất dễ xảy ra các biến chứng như: liệt mặt, viêm mê nhĩ, biến chứng sọ não – áp xe ngoài màng cứng…

Điều trị

Điều trị bảo tồn

Áp dụng trong trường hợp viêm tai giữa chảy mủ không kèm viêm xương chũm, không có cholesteatoma, không có biến chứng. Các phương án điều trị bảo tồn bao gồm: điều trị kháng sinh, dẫn lưu để bảo đảm ống tai thoáng sạch, cắt polyp ống tai nếu có, rửa bằng nước muối hoặc oxy già, sau đó dùng thuốc nhỏ tai.

Có thể điều trị bảo tồn trong trường hợp viêm tai giữa chưa có biến chứng

Điều trị phẫu thuật cho viêm tai giữa có chảy mủ tai

Chỉ định phẫu thuật khi viêm tai giữa có kèm theo viêm xương chũm mạn tính, kèm theo cholesteatoma hoặc có biến chứng như thủng màng nhĩ, biến chứng nội sọ… hoặc có viêm tái đi tái lại mà điều trị bảo tồn không hiệu quả. Ngoài ra hiện nay chỉ định phẫu thuật được mở rộng ở trẻ em, cân nhắc phẫu thuật sớm đối với viêm tai giữa chảy mủ ở trẻ em để tránh các biến chứng về sau, bảo tồn thính lực.

Các phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng hiện nay là:

  • Mở thượng nhĩ: trong viêm thượng nhĩ đơn thuần hoặc viêm tai mủ kéo dài ở trẻ em
  • Mở sào bào thượng nhĩ: Trong viêm tai giữa có tổn thương sào bào và thượng nhĩ
  • Khoét rỗng đá chũm bán phần hoặc khoét rỗng đá chũm toàn phần: : Khi viêm xương chũm, hay có cholesteatoma ở xương chũm.
  • Phẫu thuật chỉnh hình tai giữa gồm hai phần: Thứ nhất lấy bỏ xương viêm, lấy sạch cholesteatoma bằng phẫu thuật mở sào bào thượng nhĩ hoặc khoét rỗng đá chũm, Thứ hai tái tạo hệ thống dẫn truyền xương con có lấp hố mổ chũm hoặc không.

Phòng ngừa

Cần tích cực và tuân thủ điều trị các bệnh như: viêm mũi họng, viêm VA… – Khi bị viêm tai giữa cấp, phải được điều trị và theo dõi chu đáo. Cần chẩn đoán sớm nhằm điều trị, theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng của viêm tai giữa. Tuyên truyền phòng bệnh viêm tai giữa trong cộng đồng.
Thường xuyên giữ vệ sinh tai đúng cách, tránh bụi, nước bẩn vào tai và vệ sinh mũi họng.

Tóm lại, viêm tai giữa mạn thủng nhĩ là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Người bệnh nên đi khám đúng chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị, có thể cần phẫu thuật thích hợp giúp bảo tồn, cải thiện thính lực cũng như tránh các biến chứng nguy hiểm.

Cần lưu ý một số thuốc nhỏ tai có thể gây điếc không hồi phục nếu dùng khi màng nhĩ thủng. Ngay cả thói quen sử dụng dung dịch oxy già làm sạch mủ tai cũng cần phải có ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Vì vậy, người bệnh không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bài viết liên quan

Bệnh Lý Tai Trong

Th12

2024

15

Bệnh Lý Tai Trong

15/12/2024

Rối loạn tai trong là gì? Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh Rối loạn tai trong là một trong số những nguyên nhân dẫn đến nghe kém và ù tai. Tuy nhiên, các đặc điểm của bệnh lý thì không phải ai cũng hiểu rõ. Vậy rối loạn mạch tai trong là gì? Nguyên nhân […]

Đọc thêm
Viêm Tai Giữa Thanh Dịch

Th12

2024

15

Viêm Tai Giữa Thanh Dịch

15/12/2024

Viêm tai giữa thanh dịch là gì ? Viêm tai giữa thanh dịch là tình trạng ứ đọng mạn tính dịch nhầy vô khuẩn trong tai giữa. Tai giữa là khoang không khí được bịt kín bằng màng nhĩ và thông với họng qua ống eustachian dẫn qua mũi. Ống eustachian giúp cân bằng áp […]

Đọc thêm
Viêm Tai Giữa Cấp Tính

Th12

2024

15

Viêm Tai Giữa Cấp Tính

15/12/2024

Viêm tai giữa cấp tính là gì? Là bệnh nhiễm trùng khởi phát đột ngột mà nguyên nhân phổ biến do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập ở tai giữa, thường đi cùng với viêm nhiễm ở vùng mũi họng. Tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị viêm niêm mạc gây […]

Đọc thêm
Bệnh Nấm Tai

Th12

2024

14

Bệnh Nấm Tai

14/12/2024

Bệnh nấm tai: triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị Nấm tai là bệnh lý tai mũi họng có thể găp ở mọi lứa tuổi với triệu chứng như ngứa ngáy, đau tai, ù tai… Đây không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi có những biểu hiện bất […]

Đọc thêm