Viêm thanh quản là tình trạng sưng viêm, phù nề niêm mạc vùng thanh quản, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khàn tiếng. Viêm thanh quản kéo dài dưới 3 tuần được gọi là viêm thanh quản cấp tính; do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng đường hô hấp (virus, vi khuẩn,…), thời tiết thay đổi, nói hoặc la hét quá nhiều,…
Lúc này, dây thanh quản xung lên, làm âm thanh giọng nói phát ra bị biến đổi, có người giọng nói không thành tiếng được.
Người bệnh không cần quá lo lắng về tình trạng này vì chúng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, mức độ bệnh không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong thời gian bị viêm thanh quản cấp, bạn nên giữ gìn và bảo vệ cổ họng và vùng thanh quản, tránh để bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Đối tượng dễ bị viêm thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp đều có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Tác nhân gây bệnh khi các đối tượng gặp điều kiện thuận lợi virus, vi khuẩn xâm nhập, gây viêm thanh quản cấp. Các yếu tố nguy cơ khiến các đối tượng dễ bị viêm thanh quản cấp tính.
Đối tượng thường hút, tiếp xúc với khói thuốc lá.
Đối tượng mắc đái tháo đường, nhất là những người lớn tuổi.
Đối tượng nhiễm khuẩn đường hô hấp: Bệnh phổi, amidan, VA ở trẻ em, viêm mũi xoang, cảm cúm.
Đối tượng thường xuyên sử dụng giọng nhiều: Nói to, la hét, nói nhiều, hát quá to,…
Đối tượng sử dụng nhiều rượu bia.
Đối tượng mắc chứng trào ngược họng thanh quản.
Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp tính
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp tính, hầu hết các trường hợp viêm thanh quản cấp chỉ là tạm thời. Khi giải quyết, điều trị được các nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp thì bệnh sẽ khỏi. Bao gồm các nguyên nhân dưới đây:
La hét quá nhiều.
Virus là tác nhân phổ biến nhất.
Vi khuẩn gây nên bệnh nhưng ít gặp hơn virus.
Triệu chứng viêm thanh quản cấp tính
1. Triệu chứng viêm thanh quản cấp tính ở trẻ em
Cơ năng: Điển hình là viêm thanh quản cấp đơn thuần, do cúm và kèm theo các triệu chứng ho, khàn tiếng, nhưng không khó thở, không có triệu chứng toàn thân.
Thực thể: Trẻ nhỏ bị viêm phù nề ở vùng thượng thanh môn. Đồng thời, tiền đình thanh quản và hai dây thanh xung huyết đỏ.
2. Triệu chứng viêm thanh quản cấp ở người lớn
Toàn thân: Người bệnh cảm thấy đau, ớn lạnh, gai người. Thông thường sẽ giống như bị cảm cúm nhưng hiếm khi sốt.
Cơ năng: Người bệnh cảm thấy nuốt rát, khô họng. Tiếng nói trở nên khàn, có khi không thể phát ra thành tiếng. Nhiều người sẽ ho khan không có đờm, sau đó có ít đờm trắng.
Thực thể: Viêm mạc xung huyết và tăng xuất tiết ở thanh quản.
Chẩn đoán viêm thanh quản cấp tính
Khi đến khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng, bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm thanh quản cấp bằng cách dựa vào tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành cho người bệnh xét nghiệm, nội soi nếu cần thiết.
Tiền sử của người bệnh đánh giá xem có tiếp xúc với khói thuốc lá hay không, có sử dụng rượu bia hay tiếp xúc với người bị cúm không.
Chẩn đoán lâm sàng với các triệu chứng khàn giọng, đau họng, mất tiếng, nội soi thanh quản thấy niêm mạc họng và thanh quản phù nề xung huyết, dây thanh xung huyết đỏ.
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm công thức máu hoặc chụp X-quang để loại trừ bệnh liên quan đến phổi.
Biến chứng của viêm thanh quản cấp
Viêm thanh quản cấp ở người lớn thông thường không gây nguy hiểm, có khả năng hồi phục tốt. Tuy nhiên, viêm thanh quản cấp ở trẻ em cần được theo dõi sát sao, vì bệnh dễ gây khó thở, nhiều biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.
Ngoài ra, viêm thanh quản cấp có thể tiến triển thành các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi nhưng rất hiếm gặp.
1. Biến chứng viêm thanh quản cấp ở trẻ em
Viêm dây thanh quản hạ thanh môn: Chủ yếu gặp ở trẻ từ 1-3 tuổi. Thường phát bệnh vào ban đêm khi trẻ đang bị viêm mũi họng, chúng tiến triển, xuất hiện khó thở thanh quản.
Viêm thanh quản giả bạch hầu hoặc viêm thanh quản co thắt: Biến chứng này gây viêm và phù nề khu trú ở vùng hạ họng, co thắt thanh quản làm người bệnh khó thở, xảy ra nửa đêm gần về sáng, kèm theo tình trạng thở rít, giọng khàn.
Viêm dây thanh thiệt: Biến chứng này khiến dây thanh thiệt sưng nề, người bệnh nuốt đau, khó thở, tăng tiết nước bọt, khó thở khi nằm ngửa do Hemophilus influenza.
Viêm dây thanh quản bạch hầu: Biến chứng này do vi khuẩn Loeffler xâm nhập vào thanh quản, gây phù nề, loét có màng giả, khiến màng giả trắng, dính, dai, bít tắc đường thở gây khó thở thanh quản, kèm sốc nhiễm độc nội độc tố tiên lượng nặng, dẫn tới tử vong.
2. Biến chứng viêm thanh quản ở người lớn
Viêm dây thanh quản do cúm với các biến chứng kèm theo như mạch nhanh yếu, thở nhanh, nông, huyết áp thấp, nước tiểu có Albumin với tiên lượng xấu, có thể tử vong do phế quản, viêm trụy tim mạch kèm theo các thể bệnh, biến chứng khác như:
Thể xuất tiết: Giống viêm dây thanh xuất tiết thông thường, người bệnh sốt, mệt mỏi. Khám thanh quản trong trường hợp này có điểm xuất huyết dưới niêm mạc.
Thể phù nề: Phù nề khu trú ở thanh nhiệt, mặt sau của sụn phễu. Người bệnh nuốt đau, khó thở, giọng nói ít bị thay đổi.
Thể loét: Soi thanh quản thấy vết loét nông, bờ đỏ, sụn phễu và sụn thanh thiệt phù nề.
Thể viêm tấy: Toàn thân sốt cao, mạch nhanh, triệu chứng cơ năng rõ rệt khi người bệnh đau họng, khó nuốt, nhói bên tai, giọng khàn đặc, khó thở thanh quản.
Thể hoại tử: Biến chứng khiến màng sụn viêm, hoại tử, các tổ chức liên kết lỏng lẻo ở cổ viêm tấy, sưng, mủ, thanh quản sưng to, có màng giả che phủ. Người bệnh nuốt đau, khó nói, khó thở.
Điều trị viêm thanh quản cấp tính
1. Điều trị tại nhà
Tuy nhiên, phương pháp điều trị tại nhà không được khuyến khích, người bệnh cần khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để đạt được hiệu quả cao cũng như điều trị đúng cách. Viêm thanh quản cấp cần được chăm sóc, cải thiện bệnh bằng các biện pháp dưới đây:
Sử dụng máy tạo độ ẩm.
Không nói, hát quá lớn, lâu.
Tránh các thuốc xịt mũi vì chúng làm khô họng.
Bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin A, C, E.
2. Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định điều trị viêm thanh quản cấp:
Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định khi viêm thanh quản cấp do vi khuẩn. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh tại nhà. Dùng không đúng loại dẫn đến kháng thuốc, giảm hiệu quả điều trị sau này.
Corticosteroids làm giảm viêm dây thanh âm. Nhóm thuốc này được khuyến cáo sử dụng khi người bệnh cần lấy lại giọng nói sớm. Một số loại thuốc như Methylprednisolon, Dexamethason, Prednisolon,… được sử dụng để điều trị bệnh này.
Thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol, aspirin,… cũng được sử dụng khi người bệnh có các triệu chứng kèm theo.
3. Điều trị ngoại khoa
Một số trường hợp viêm thanh quản cấp gây khó thở cần mở khí quản.
Cách phòng ngừa viêm thanh quản cấp tính
Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng viêm thanh quản cấp tính gây ra nhiều phiền toái, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Việc phòng ngừa viêm thanh quản cấp là điều cần thiết: (3)
1. Giữ ấm cho cơ thể
Đặc biệt là vùng cổ vào thời điểm giao mùa và thời tiết trở lạnh. Bạn cần khoác áo ấm để giữ ấm cho cơ thể, tránh để bị cảm lạnh.
2. Sử dụng nước muối để súc miệng
Nhằm kháng khuẩn, cải thiện tình trạng đau rát cổ. Duy trì thói quen này để thấy được hiệu quả rõ rệt.
3. Chế độ ăn uống khoa học, hợp lý
Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng không chỉ giúp phòng ngừa viêm thanh quản cấp tính mà còn hạn chế mắc các bệnh khác. Hạn chế các thực phẩm không tốt cho cổ họng như đồ nóng, chua, cay,…
4. Đeo khẩu trang thường xuyên
Nếu phát hiện, nghi ngờ người khác bị cảm lạnh, cảm cúm, cần hạn chế tiếp xúc hoặc nên đeo khẩu trang khi cần thiết phải tiếp xúc.
5. Sử dụng micro
Nếu như bạn đang làm công việc đặc thù, thường xuyên phải giao tiếp, nói chuyện thì cần sử dụng micro để làm việc, tránh nói to ảnh hưởng đến dây thanh quản.
6. Chú ý vệ sinh tai mũi họng
Cần vệ sinh tai mũi họng cẩn thận, nhất là những người thường tiếp xúc khói bụi, bụi bẩn.
7. Thường xuyên tập luyện thể thao
Mỗi ngày, bạn cần tập thể dục, vận động thân thể giúp tăng sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật. Nên lựa chọn các bài tập, môn thể thao phù hợp với thể trạng.
Nếu nghi ngờ bản thân mắc viêm thanh quản cấp, cần chú ý chế độ nghỉ ngơi, đến khám tại chuyên khoa tai mũi họng để hạn chế bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Polyp thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa Hiện nay, polyp thanh quản là tình trạng tương đối phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến giọng nói người bệnh. Nếu không phát hiện sớm và có phương án điều trị dứt điểm bệnh có thể làm thay đổi giọng hoặc […]
1. Khái niệm u nang thanh quản Cấu tạo bề mặt của dây thanh âm có các nếp gấp phức tạp nhưng nếu lạm dụng giọng nói, giọng hát nhiều sẽ khiến cho các khối u nang dễ dàng hình thành. Đây không phải là bệnh lý phổ biến, nhưng lại có tỷ lệ khá […]
HẠT XƠ DÂY THANH: NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU VÀ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO? Hạt xơ dây thanh: nguyên nhân do đâu và điều trị như thế nào? Hạt xơ dây thanh là một trong những bệnh thuộc đường tai mũi họng rất thường gặp đối với những người mà công việc thường xuyên phải […]
Viêm thanh quản mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Viêm thanh quản thường khỏi trong 2 – 3 tuần nhưng khi bệnh kéo dài lâu hơn sẽ trở thành viêm thanh quản mạn tính. Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản kéo dài trên 3 […]